Các tác phẩm điêu khắc ấn tượng trên thế giới – Phần 4

Hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều trưng bày những tác phẩm điêu khắc mang tính biểu tượng đặc trưng của riêng mình. Trong số đó, có những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đầy sự sáng tạo và tính thẩm mỹ cao luôn làm cho mọi người cảm thấy thán phục tài năng vô hạn của con người.

Á thần Jatayu, Ấn Độ. Nằm trong Vườn quốc gia Jatayu ở bang Kerala, tác phẩm điêu khắc đáng kinh ngạc về á thần đại bàng Jatayu giữ danh hiệu là bức điêu khắc về chim lớn nhất thế giới. Jatayu dài 60 m, rộng 45 m và cao 21 m, tọa lạc trên sàn 4.500 m2 được khai trương cho khách tham quan từ ngày 17/8/2018. Tác giả của tác phẩm là Rajiv Anchal, một nhà đạo diễn phim và là nhà điêu khắc. Liên quan đến một truyền thuyết, tác phẩm này còn được gọi là “bức tượng về sự an toàn và danh dự của phụ nữ”.

Giận dữ, Hungary. Đây là bức tượng của nghệ sĩ Ervin Loranth Herve, mô tả một người đàn ông khổng lồ giận dữ đang ngoi lên khỏi mặt đất ở phía trước Quảng trường Szechenyi ở Budapest. Bức tượng khổng lồ được dựng ngày 14/10/2014 trong một lễ hội có tên “Chợ nghệ thuật” với sự tham gia của các nghệ sĩ châu Âu. Nơi đây đã trở thành một điểm tham quan chính, nổi tiếng của khách du lịch, các phương tiện truyền thông xã hội và Internet.

Bàn tay sa mạc, Chile. Bàn tay sa mạc cao 11 mét, còn được gọi là “Mano del Desierto”, với các ngón tay hướng lên bầu trời ở giữa sa mạc Atacama cách thị trấn Antofagasta khoảng 60 km về phía đông nam. Kích thước phóng đại của bàn tay người được cho là làm nổi bật tính dễ bị tổn thương và sự bất lực của con người. Tác phẩm của nhà điêu khắc người Chile Mario Irarrazabal này được khánh thành ngày 28/3/1992.

“Không bạo lực”, Mỹ. “Không bạo lực” là một khẩu súng lục ổ quay với phần nòng bị thắt nút được sáng tác bởi nghệ sĩ Thụy Điển Carl Reutersward. Nhà điêu khắc đã tạo ra pho tượng như một lời tri ân tới nhạc sĩ John Lennon sau khi ông bị bắn vào năm 1980. Kể từ năm 1993, “Không bạo lực” đã trở thành biểu tượng của một tổ chức phi chính phủ, nhằm truyền bá giáo dục về thay đổi xã hội thông qua phòng chống bạo lực.

Giày trên khu đi dạo Danube, Hungary. Một bộ gồm 60 đôi giày bằng sắt thiết kế theo phong cách những năm 1940 được bố trí dọc theo bờ sông Danube để tưởng nhớ hơn 20.000 người Do Thái đã bị tàn sát trong Thế chiến II bởi Szalasi, thủ lĩnh của Hungry bị tiêm nhiễm hệ tư tưởng Hitler. Tất cả mọi người kể cả trẻ em đều bị buộc tháo giày trước khi bị bắn bởi vì giày là một mặt hàng có giá trị vào thời đó, và vật dụng của họ đã bị nước sông cuốn đi. Tượng đài được tạo ra bởi đạo diễn phim Can Togay và nhà điêu khắc Gyula Pauer. Công trình của họ được hoàn thành ngày 16/4/2005.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN